Cầu Ánh Sao: "Chung cư" của chim tại Phú Mỹ Hưng, Quận 7

Cầu Ánh Sao: “Chung cư” của chim tại Phú Mỹ Hưng, Quận 7

CẦU ÁNH SAO: “CHUNG CƯ” CỦA CHIM TẠI PHÚ MỸ HƯNG, QUẬN 7

Công viên Cầu Ánh Sao thật sự là “chung cư” của nhiều loài chim. Có những cái tổ được khoét trong thân cây bởi gõ kiến (Picidae), cu rốc cổ đỏ (Megalaimidae), và được “sang tay” liên tục. Thậm chí có cả đánh nhau để giành “nhà”…

Cuối tháng 3-2023, chú gõ kiến con chuẩn bị ra ràng. Chú nhìn trời đất với một vẻ đầy lạ lẫm, háo hức

Mấy ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5, những người đam mê chụp chim tụ họp rất đông vào công viên Cầu Ánh Sao (Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) để chụp đôi sáo đá đuôi hung (Chestnut – tailed starling) đang nuôi hai chim con.

Sở dĩ mọi người tập trung chụp gia đình sáo đá này là bởi, hơn tháng trước, có một trận chiến kịch liệt giữa đôi sáo này với gia đình gõ kiến!

Số là nhà gõ kiến cặm cụi đục khoét một chiếc tổ kiên cố ở một cành phượng khô. Trong lúc gõ kiến cha và mẹ cặm cụi nuôi con thì đôi sáo đá này cứ lởn vởn tấn công.

Gần tổ gõ kiến xuất hiện một đôi sáo đá đuôi hung

Hồi ấy, trưa nào tôi cũng lặn lội ra đây xem, bởi cứ thương nhà gõ kiến bị “kẻ hung ác” tấn công giành nhà. Có một điều là cặp sáo đá chỉ “ăn hiếp” gõ kiến mẹ.

Nó cứ lởn vởn gần tổ gõ kiến, cứ chim mẹ mang mồi về cho con, rình lúc gõ kiến mẹ chui đầu vào tổ cho con ăn là sáo đá lao tới mổ. Những cú mổ chắc chắn không nhẹ chút nào, khi nó rứt cả lông gõ kiến mẹ!

Sáo đá rình lúc gõ kiến mẹ chui đầu vào tổ cho con ăn thì bay tới thực hiện ngay một cú mổ lén, rứt cả lông gõ kiến

Sáo đá rứt cả lông gõ kiến

Đôi lúc sáo đá cũng “tổ trác”, khi lao đến mổ lén thì lại gặp ngay gõ kiến cha quay đầu lại mổ đáp trả, và thế là sáo đá “quay xe” tức thì

Rồi ngày gõ kiến con ra ràng cũng đến. Khi gõ kiến con bay đi, nhiệm vụ của bố mẹ cũng hoàn thành. Chiếc tổ kiên cố bỏ không, và ngay lập tức cặp sáo đá xông vào chiếm dụng. Chúng dọn dẹp sạch sẽ và trở thành những ông bố bà mẹ chim tận tụy.

Trong tổ hiện đã thấy có hai con. Bố mẹ sáo đá những ngày này bay đi bay về mỗi ngày phải vài mươi lượt để lo cho hai chiếc tàu há mồm.

Trong công viên, nổi bật nhất về việc khoét cây làm tổ là gõ kiến và cu rốc. Đây là hai loài chim có mỏ cứng, và biệt tài của chúng là mổ vào thân cây cứ như khoan cắt bê tông để làm tổ cho mùa sinh sản.

Nhưng sau khi hoàn tất việc nuôi con ra ràng, chúng bỏ đi và nơi ấy thành những ngôi nhà lý tưởng cho những loài không có khả năng “khoan” cây làm nhà.

Không chỉ có sáo đá đuôi hung, sẻ bụi vàng (Passer flaveolus) cũng rất thích đẻ trứng nuôi con trong những cái tổ kiên cố như thế.

Có điều, nó không hung hăng như sáo đá đuôi hung; nghĩa là nín nhịn chờ chủ xong việc, bỏ đi rồi thì mới vào dọn dẹp để chuẩn bị cho việc duy trì nòi giống. Nhìn cảnh những đôi sẻ bụi vàng cặm cụi bay đi bay về, tha từng cọng cỏ để lót ổ trong hốc cây thật sự đáng yêu.

Câu chuyện “chung cư” của các loài chim ngay trong một công viên giữa lòng thành phố giá mà được tổ chức kể cho trẻ con nghe bằng những tiết học mục sở thị thì quả là tuyệt vời…

Ngắm một “chung cư chim” – một đời sống thú vị giữa Sài Gòn:

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, sáo hưởng được cái tổ đẹp khi mà gõ kiến đã hoàn tất nuôi con, đến lượt chúng cặm cụi làm cha mẹ mẫu mực

Nhiều lúc bố mẹ sáo kiếm được mồi nhiều, liên tục đút cho con ăn

Cu rốc đục, đẽo xây nhà mới

Sẻ bụi vàng nuôi con trong tổ cũ của cu rốc

Lại một đôi sẻ bụi vàng khác đang tha cỏ, rơm về biến ngôi nhà cũ người thành mới ta

Trong “chung cư” của các loài chim, lại có những con tìm vịt (Cacomantis) chuyên bắt sâu róm ở hồ sen làm thức ăn. Loài này chả thèm kiếm nhà để đẻ trứng nuôi con, mà chuyên đi đẻ ké vào tổ chim khác!

Nguồn: Tuổi Trẻ

Tin Liên Quan

Gọi điện SMS Chỉ Đường